Ứng dụng các giải pháp bền vững hơn trong NTTS
Phần 2: Tăng cường sức khỏe tôm, cá bằng giải pháp tự nhiên - Kỳ 1
Như đã đề cập ở Phần 1, Skretting cam kết phát triển bền vững toàn diện, kết hợp chặt chẽ các yếu tố môi trường, xã hội và kinh tế. Chúng tôi tự hào là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực thủy sản, đóng góp tích cực qua đổi mới, khai thác nguyên liệu bền vững và hợp tác chiến lược, nhằm bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng toàn cầu
Với những nỗ lực không mệt mỏi trong thời gian qua, chúng tôi có thể chứng minh rằng tính bền vững và lợi nhuận luôn song hành cùng nhau và là tiền đề cho hệ thống thực phẩm toàn cầu có trách nhiệm và bền vững hơn.
Với sứ mệnh “Nuôi dưỡng tương lai”, Skretting đã góp phần thúc đẩy sự thay đổi tích cực trong ngành NTTS, đóng góp nguồn thực phẩm bền vững và an toàn cho dân số toàn cầu. Điều này đồng nghĩa với việc chúng tôi đã đầu tư mạnh vào nghiên cứu, phát triển để tạo ra các giải pháp sáng tạo giúp tăng cường tính bền vững của NTTS, phát triển thức ăn thủy sản, các sản phẩm và dịch vụ giúp cải thiện sức khỏe của tôm, cá, nâng cao hiệu quả thức ăn, giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên biển và thuốc kháng sinh. Điều này cho thấy, Skretting hoàn toàn ủng hộ các hoạt động NTTS có trách nhiệm bảo vệ môi trường, hỗ trợ cộng đồng và đảm bảo phúc lợi cho vật nuôi.
Trong quá trình NTTS, người nuôi thường sử dụng nhiều loại kháng sinh nhằm kiểm soát dịch bệnh, cải thiện tốc độ tăng trưởng, và cải thiện hiệu quả thức ăn. Việc sử dụng quá nhiều kháng sinh trong NTTS dẫn đến sự phát triển của vi khuẩn kháng kháng sinh, có thể lây lan sang người và các động vật khác, gây ra rủi ro đáng kể cho sức khỏe cộng đồng. Hơn nữa, kháng sinh có thể tích tụ trong môi trường, dẫn đến phá vỡ sự cân bằng của hệ vi sinh vật trong tự nhiên. Điều này có thể dẫn đến sự phát triển quá mức của vi khuẩn kháng thuốc trong môi trường và tác động đến các sinh vật khác.
Mối lo ngại về tình trạng kháng kháng sinh, tác động đến môi trường và sức khỏe người tiêu dùng đã khiến nhiều quốc gia phải ban hành các quy định nghiêm ngặt về việc sử dụng kháng sinh trong NTTS, hạn chế sử dụng kháng sinh và chuyển sang sử dụng nhiều loại thức ăn bổ sung ở dạng tự nhiên như một giải pháp thay thế bền vững và an toàn hơn.
Các vấn đề về bệnh tật đã trở thành mối lo ngại lớn của người nuôi thủy sản. Trong các giải pháp hạn chế bệnh, đặc biệt là nuôi tôm và cá, phòng bệnh luôn được ưu tiên hàng đầu tại nhiều trang trại. Phòng ngừa không chỉ ngăn chặn sự lây nhiễm mà còn đảm bảo dinh dưỡng tối ưu, thiết kế trại nuôi phù hợp và quản lý hợp lý. Những biện pháp này giúp tăng cường khả năng chống lại các bệnh nguy hiểm cho vật nuôi.
Đảm bảo phúc lợi giúp vật nuôi khỏe mạnh, thể hiện tập tính tự nhiên, tăng sức đề kháng và giảm dịch bệnh, điều này cũng đúng trong NTTS. Để tăng khả năng kháng bệnh, vật nuôi cần tránh căng thẳng (stress). Các chất phụ gia thức ăn chức năng tự nhiên ngày càng quan trọng trong NTTS bền vững. Khi ngành này mở rộng để đáp ứng nhu cầu toàn cầu, việc duy trì bền vững trở nên cấp thiết. Các chất phụ gia chức năng giúp nâng cao hiệu quả thức ăn, cải thiện sức khỏe, giảm tác động môi trường và sự phụ thuộc vào kháng sinh, hóa chất.
Các thành phần có nguồn gốc tự nhiên được định nghĩa là phần dinh dưỡng được đưa vào công thức thức ăn hoặc được phủ lên bề mặt thức ăn nhằm bảo vệ tính toàn vẹn của đường ruột, tăng cường khả năng chống ôxy hóa của hệ vi khuẩn đường ruột, cải thiện các chức năng miễn dịch, từ đó cải thiện khả năng tăng trưởng, phản ứng miễn dịch và khả năng kháng bệnh.
Bằng cách cải thiện khả năng kháng bệnh, vật nuôi sẽ ít mắc bệnh hơn hoặc bệnh sẽ ít nghiêm trọng hơn khi nhiễm khuẩn. Ngoài ra, vật nuôi sẽ phục hồi nhanh hơn khi có khả năng kháng bệnh tốt hơn. Việc cải thiện khả năng kháng bệnh đóng vai trò quan trọng ngay cả khi chưa phát hiện bệnh.
Một số chất phụ gia chức năng được sử dụng trong NTTS bao gồm: probiotic, prebiotic, axit hữu cơ, phytogenics, enzyme, chất kích thích miễn dịch. Mỗi nhóm đều thể hiện các tính năng và lợi ích riêng.
Probiotic (Lợi khuẩn) được định nghĩa là một hoặc một nhóm các sinh vật sống, khi được sử dụng với số lượng thích hợp sẽ có lợi cho sự tồn tại và phát triển của vật chủ. Probiotic có thể chứa một hoặc nhiều chủng vi sinh có lợi, có thể được bổ sung riêng lẻ vào thức ăn hoặc nước, hoặc cũng có thể kết hợp với các chất phụ gia khác. Các nhóm lợi khuẩn probiotic phổ biến được sử dụng trong NTTS bao gồm các loài Bacillus, Lactobacillus, Pediococcus, Bifidobacterium, Enterococcus và các loài khác.
Việc ứng dụng probiotic trong NTTS là một phương pháp bền vững và hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho cả người nuôi trồng và môi trường. Nhóm lợi khuẩn này, khi được bổ sung vào môi trường nước hoặc cung cấp trực tiếp vào thức ăn, sẽ mang lại nhiều lợi ích như tăng trưởng nhanh hơn, khả năng kháng bệnh tốt hơn và chất lượng nước được cải thiện. Probiotic giúp phòng ngừa và kiểm soát bệnh bằng cách cạnh tranh chất dinh dưỡng và nơi cư ngụ với vi khuẩn gây bệnh, kích thích sản xuất các hợp chất kháng khuẩn và tăng cường hệ miễn dịch của tôm, cá. Bằng cách này, chúng ngăn chặn sự xâm nhập và phát triển của các tác nhân gây bệnh, thúc đẩy sự cân bằng của hệ vi sinh đường ruột, cải thiện tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng, giúp tốc độ tăng trưởng tốt hơn và chuyển đổi thức ăn hiệu quả hơn.
Probiotic cũng tăng cường phản ứng miễn dịch của các loài thủy sản bằng cách kích thích sản xuất enzyme liên quan đến miễn dịch và cải thiện khả năng phục hồi tổng thể của vật chủ chống lại các bệnh nhiễm khuẩn.
Việc lựa chọn sản phẩm vi sinh phù hợp phải đảm bảo các tiêu chí sau: sản phẩm phải có hàm lượng vi sinh vật sống cao (> 1 tỷ CFU/g), các nhóm lợi khuẩn hoặc các chủng được lưu trú và hoạt động trong ruột của động vật thủy sản, dễ dàng tồn tại và phát triển trong điều kiện nuôi tôm, cá, đảm bảo ổn định trong quá trình sản xuất và bảo quản. Đồng thời, tính an toàn của chủng vi sinh phải được đảm bảo rằng nó không thúc đẩy sự lây truyền kháng kháng sinh hoặc plasmid độc lực.
Prebiotic là thành phần thức ăn không được tiêu hóa, có tác dụng kích thích sự phát triển và chuyển hóa của các vi khuẩn có lợi trong đường ruột, giúp cải thiện sức khỏe và hiệu suất tăng trưởng. Trong NTTS, prebiotic đóng vai trò quan trọng trong tăng cường hệ vi sinh đường ruột, thúc đẩy khả năng kháng bệnh và các hoạt động nuôi trồng bền vững.
Các prebiotic thường được sử dụng trong thủy sản bao gồm: Mannanoligosaccharides (MOS), Fructooligosaccharides (FOS), Galactooligosaccharidae (GOS), Beta Glucans và inulin. Mặc dù các loại đường và chất xơ này không tiêu hóa được bởi tôm, cá, nhưng chúng có thể được lên men bởi vi khuẩn đường ruột, kích thích sự phát triển của một hoặc nhiều vi khuẩn có lợi, từ đó giảm quần thể vi khuẩn gây bệnh, điều hòa miễn dịch, tăng khả năng tiêu hóa, hấp thụ khoáng chất và vitamin, duy trì độ pH của ruột, tối ưu hóa việc hấp thu dinh dưỡng và cải thiện sự tăng trưởng của vật nuôi.
Một ví dụ về cơ chế hoạt động của MOS: MOS sẽ liên kết với các thụ thể của tác nhân gây bệnh, ngăn chặn sự bám dính của mầm bệnh trên bề mặt biểu mô ruột của vật chủ. Điều này sẽ làm giảm sự bám dính của mầm bệnh trong đường tiêu hóa, khiến chúng bị đào thải qua phân, giúp tăng cường phản ứng miễn dịch nhờ sự trình diện nhiều hơn của các kháng nguyên đối với hệ miễn dịch.
Trong khi đó, Beta-glucan 1,3/1,6 kích hoạt hệ miễn dịch trực tiếp vì chúng liên kết với các thụ thể tế bào trong ruột non và thực bào, kích hoạt các phản ứng viêm với việc kích hoạt kháng thể (IgA) và tăng cường tiết chất nhầy, đóng vai trò như tuyến phòng thủ đầu tiên của ruột chống lại các tác nhân gây bệnh. Ngoài ra, beta-glucan còn kích hoạt đại thực bào, tế bào NK (tế bào tiêu diệt tự nhiên), tế bào lympho B và lympho T, tăng sản xuất cytokine và các hoạt động thực bào.
Joao Sendao (Trinh Trương lược dịch)